Bài viếtBệnh Xương Khớp

Những tổn thương hay gặp ở khớp gối và cách đề phòng

(0 bình chọn)

Viêm khớp đầu gối có thể do các nguyên nhân chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn gây ra. Khớp gối bị sưng, nóng, đỏ đau, hạn chế vận động. Tùy nguyên nhân mà bạn phải điều trị bằng thuốc chống viêm, kháng sinh...

- Đầu gối rất dễ bị chấn thương vì phải chịu sức nặng cơ thể trong khi lao động, chạy nhảy, đi lại. Động tác chủ yếu của khớp gối là gập và duỗi, còn cử động sang bên hoặc quay thì rất hạn chế.

- Vì vậy khớp gối dễ bị tổn thương bởi những chấn thương từ hai bên hay từ phía trước hoặc do vặn xoay. Tuy nhiên nếu biết bảo vệ, bạn sẽ có khớp gối chắc khỏe và giữ được vẻ đẹp của hai đầu gối.

Tổn thương hay gặp ở khớp gối

- Đau đầu gối: sau một chấn thương đầu gối bạn bị đau. Có khi người bệnh mô tả là đau buốt "đến tận tim", hay đau "điếng người". Dĩ nhiên là bạn phải xoa dầu và uống thuốc mới mong khỏi được sớm.

- Lỏng khớp gối: là một chấn thương hay gặp trong thể thao, khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, khớp gối sẽ lỏng. Nhưng lúc mới chấn thương, do cơ đùi hỗ trợ nên bạn chưa cảm nhận được bị lỏng gối. Thời gian sau cơ đùi bị teo không còn đủ sức gồng gánh cho dây chằng chéo trước, các dấu hiệu của lỏng gối mới xuất hiện. Bạn sẽ cảm thấy chân bị yếu khi đi lại, khó khăn khi phải đứng trụ bằng chân bị bệnh, đi nhanh trên đường không bằng phẳng dễ bị trẹo gối, cảm giác bất thường khi lên xuống cầu thang, khó điều khiển chân mình như ý muốn.

- Trật khớp gối: nếu chấn thương mạnh bạn có thể bị trật khớp gối với các biểu hiện đau, không cử động được khớp gối, biến dạng khớp gối. Tổn thương có thể làm gãy xương, vỡ sụn, rách bao hoạt dịch, đứt rách dây chằng... Khi đó bạn phải điều trị tại bệnh viện bằng cách nắn chỉnh, phẫu thuật phục hồi khớp và dùng thuốc giảm đau, chống viêm.

Viêm khớp: có thể do các nguyên nhân chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn gây ra. Khớp gối bị sưng, nóng, đỏ đau, hạn chế vận động. Tùy nguyên nhân mà bạn phải điều trị bằng thuốc chống viêm, kháng sinh...

- Thoái hóa khớp gối: là tình trạng lão hóa của khớp. Ở người cao tuổi, sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết... Mức độ lão hóa từng người có khác nhau, tùy thuộc điều kiện sống của mỗi người. Ba triệu chứng thường gặp ở bệnh thoái hóa khớp gối là đau khớp, sưng khớp và hạn chế cử động. Điều trị cần dùng các loại thuốc: giảm đau, chống viêm; bổ sung chất nhày cho khớp; thuốc tăng dinh dưỡng sụn khớp như glucosamin; các thuốc bôi, xoa ngoài; các thuốc bổ gân, xương.

Chăm sóc đầu gối

 Bảo vệ khớp gối

 Bảo vệ khớp gối

+ Đầu gối quan trọng đối với sức khỏe và cả thẩm mĩ nên chúng ta cần phải biết cách chăm sóc để bảo vệ "sức khỏe" và vẻ đẹp cho đầu gối.

+ Chúng tôi xin chia sẻ với các bạn những "bí quyết" sau đây: 

 - Do đầu gối chỉ được che phủ bằng một lớp da, thiếu sự bảo vệ của bắp cơ và mỡ, nên không được cung cấp đầy đủ nhiệt trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông. Vì vậy chúng ta cần giữ ấm cho đầu gối bằng cách mặc quần dài với chất liệu vải thun hay cotton dày, đi giầy tất để thường xuyên giữ ấm chân và đầu gối. 

 - Để phòng tránh khớp gối bị xơ cứng, bạn cần thường xuyên tập cử động bằng các động tác như đứng lên, ngồi xuống, xoay tròn khớp gối theo chiều kim đồng hồ và ngược lại để đầu gối được tưới máu nuôi dưỡng đầy đủ, dịch khớp tiết đều đặn, giúp mọi hoạt động được nhịp nhàng. Buổi tối trước khi ngủ bạn có thể tập động tác duỗi gấp gối bằng cách ngồi tựa lưng ghế, kê một cái gối mềm cao chừng 10 - 15cm dưới khoeo chân, tập duỗi thẳng chân rồi lại hạ cẳng chân xuống ở tư thế vuông góc với đùi từ 15 - 20 lần. 

- Trước khi luyện tập thể dục thể thao hay tập quân sự, bạn nhất thiết phải tập khởi động toàn thân và khớp gối để khi vận động cơ thể nói chung và khớp gối nói riêng được trơn tru, thuận lợi. Bạn không nên đá chân cao một cách đột ngột để tránh tổn thương khớp gối. Trong tập luyện một số môn thể thao dễ gây chấn thương, bạn nên bó khớp gối bằng băng thun để bảo vệ.

- Bạn cũng nên tránh các tư thế gây hại cho khớp gối như: tránh ngồi gác chéo chân; bỏ thói quen ngồi xổm vì gập gối quá mức tạo lực ép rất lớn lên mặt sụn khớp và sụn bánh chè, mặt sụn dễ mòn, dập, sẽ thoái hóa sớm. Động tác quỳ gối hay tập cử tạ mà gánh tạ quá thấp cũng gây hại khớp gối nặng hơn ngồi xổm. Khuân vật nặng hay đứng lâu, khớp gối chịu lực không thẳng trục gây đau vùng trước gối và làm cho khớp gối nhanh bị thoái hóa.

- Bạn chỉ nên đi giầy dép có đế rộng, độ cao vừa phải, khoảng 3cm. Nếu đi giầy dép cao gót sẽ tăng áp lực lên khớp gối. Tránh thừa cân, vì thừa 1kg thì khớp gối phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần. Nếu bạn bị dị dạng chi dưới như chân chữ O, chữ X cũng cần phẫu thuật chỉnh hình cho trục đầu gối được thẳng.

- Khớp gối được tạo thành bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Giữa mặt khớp lồi cầu đùi - mâm chày có cấu trúc sụn gọi là sụn chêm. Sụn chêm nằm chêm giữa mặt sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày có tác dụng giảm sóc khi sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày tiếp xúc khi vận động và giữ cho khớp gối được vững vàng. Hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau nhằm giữ cho khớp gối vững chắc.

- Dây chằng chéo trước có tác dụng chính là giữ không cho mâm chày trượt  ra trước và dây chằng chéo sau giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau. Dây chằng bên ngoài giúp gối không bị vẹo trong, dây chằng bên trong giúp cho gối không bị vẹo ra ngoài.

- Toàn bộ khớp gối được bao bọc bởi một lớp màng hoạt dịch có tác dụng tiết ra dịch khớp để bôi trơn trong quá trình vận động.

 

 

Bình luận (0)

no-avatar
Vui lòng đăng nhập!